0354062398

Hội thảo đào tạo nghề cho nông dân

Cập nhật: 22/04/2016
Lượt xem: 2646
Phát triển nguồn nhân lực(HRD) là gì?
Dưới đây là một số khái niệm về phát triển nguồn nhân lực do các tác giả đưa ra:
Phát triển nguồn nhân lực bao gồm mọi hoạt động, tiến trình có kế hoạch nhằm tác động tới việc học của từng cá nhân cũng như toàn bộ tổ chức, cộng đồng  (Stewart. 1996)
Phát triển nguồn nhân lực là phương thức quản lý  chiến lược các hoạt động đào tạo và phát triển nhằm đạt được mục tiêu đề ra , đồng thời đảm bảo khai thác hết năng lực ( kiến thức, kỹ năng, thái độ) của mọi thành viên trong tổ chức, trong cộng đồng (Thomson& Mabey, 1999)
Có thể hiểu phát triển nguồn nhân lực là:
1.     Là một quá trình chuyển đổi có kế hoạch.
2.     Nhằm đạt được mục tiêu phát triển năng lực của cá nhân, tổ chức, cộng đồng và xã hội
3.     Thông qua khoa học về hành vi, tổ chức biết học và xã hội học tập
Các nội dung chính của phát triển nguồn nhân lực là:
1.     Quản lý nguồn nhân lực
2.     Phát triển nghề nghiệp, chuyên môn, kỹ năng thông qua đào tạo, học tập.
3.     Nâng cao chất lượng công việc
Các chiến lược phát triển nguồn nhân lực lại phụ thuộc nhiều vào trình độ dân trí trong khu vực nông thôn
Trình độ dân trí
Trình độ dân trí là mức độ hiểu biết của người dân về chính nơi họ đang sống và khả năng chủ động tổ chức các động để phát triển cộng đồng của mình.  Người dân của cộng đồng là bao gồm tất cả các thành viên sống và làm việc trong cộng đồng đó.  Trình độ dân trí không chỉ nói đến mức độ hiểu biết của những người dân không có chức vụ xã hội, mà nói đến cả cán bộ quản lý và lãnh đạo cộng đồng đó. 
Để xếp hạng trình độ dân trí người ta sử dụng bốn (4) bậc thể hiện bốn mức độ năng lực cộng đồng, gồm có: Dân trí Ngủ yên – Dân trí Thức tỉnh – Dân trí Vận động – Dân trí Tự lực. Mỗi lĩnh vực của đời sống cộng đồng, và mỗi chi tiết trong từng lĩnh vực cần được phân tích và đánh giá theo bốn bậc trên   Kết quả đánh giá này là cơ sở để xác định mục tiêu của các hoạt động học tập cần thiết đối với sự phát triển của cộng đồng. 
Trình độ dân trí bậc ‘Ngủ Yên’
Cộng đồng chưa nhận ra mình có khó khăn, hoặc không thừa nhận rằng mình chưa phát triển về lĩnh vực đó,cam chịu sự kém phát triển, không biết vì sao mình kém phát triển, không biết mình có tiềm lực gì? không biết mình mong muốn gì?  không có sự liên kết chặt chẽ trong và ngoài cộng đồng. Đối với mức độ dân trí này thì việc dạy và học tập nhằm vào mục tiêu là thay đổi thái độ.
            Trình độ dân trí bậc ‘Thức Tỉnh’
Cộng đồng biết mình có khó khăn, biết nguyên nhân của khó khăn, trăn trở về khó khăn trong lĩnh vực đó, nhưng chưa tìm được cách giải quyết   Cộng đồng biết tiềm năng của mình trong lĩnh vực đó, nhưng chưa biết sử dụng những thế mạnh đó.  Cộng đồng biết mình mong ước gì ở tương lai, nhưng chưa biết làm thế nào để đạt được tương lai mong muốn về lĩnh vực đó. Đối với mức độ dân trí này thì việc dạy và học tập nhằm vào mục tiêu là thực hiện chuyển giao những tiến bộ khoa học- kỹ thuật, sử dụng tiềm năng ở quy mô hạn chế để hướng tới thành công tạo niềm tin.
           Trình độ dân trí bậc ‘Vận Động’
Cộng đồng có khả năng phát hiện ra những lĩnh vực và chi tiết mình chưa phát triển, phân tích chính xác và đầy đủ nguyên nhân của vấn đề và bước đầu tìm giải pháp giải quyết bằng nguồn lực của chính mình.  Cộng đồng bắt đầu phát huy tiềm năng của mình cho sự phát triển ở lĩnh vực đó, bắt đầu tạo ra những thay đổi tích cực   Cộng đồng bắt đầu xây dựng, và thực hiện kế hoạch phát triển dài hạn.  Mối liên kết trong cộng đồng được xây dựng và ngày càng chặt chẽ thông qua những hoạt động vì mục đích chung. Đối với mức độ dân trí này thì việc dạy và học tập nhằm vào mục tiêu lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch dài hạn cho cộng đồng.Trình độ dân trí bậc ‘Tự Lực’ Cộng đồng có khả năng liên tục phát hiện, phân tích, lựa chọn đúng các nhu cầu và cơ hội phát triển.  Hoàn toàn chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch phát triển dài hạn và ngắn hạn cho mình.  Cộng đồng có khả năng huy động, sử dụng sáng tạo và có hiệu quả nguồn lực của chính mình để thực hiện các kế hoạch phát triển.  Có khả năng huy động sự hợp tác, ủng hộ từ các đối tác bên ngoài cộng đồng để thực hiện các kế hoạch phát triển.  Có các liên kết
chặt chẽ ở bên trong và chủ động với bên ngoài cộng đồng.  Mỗi người dân đều tham gia vào một tổ nhóm, hay câu lạc bộ nào đó, giúp họ có ‘đồng đội’, bạn bè trong công việc lao động sản xuất, và giao lưu xã hội.  Đối với mức độ dân trí này thì việc dạy và học tập nhằm vào mục tiêu là phát triển năng lực, phát triển khả năng tự học của  các thành viên, cộng đồng, tổ chức và xã hội.
           Những hoạt động phát triển nguồn nhân lực không thành công thường là không đáp ứng dựa trên nhu cầu học tập, trình độ dân trí hoặc chiến lược đáp ứng không phù hợp. Ví dụ trình độ dân trí mức độ “ngủ yên ” mà chiến lược đáp ứng là xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển dài hạn cho cộng đồng.
Để nâng cao năng lực, phát triển nghề nghiệp, chuyên môn cho lao động nông nghiệp th và đào tạo- dạy nghề và học nghề  là một kênh rất quan trọng.
Dạy nghề cho nông dân, một việc làm tưởng như nhàm chán nhưng thực tế lại khá hấp dẫn, được đông đảo nông dân hưởng ứng. Thực tế cho thấy, dạy nghề cho nông dân, trước hết phải xem thực chất người nông dân cần học những gì để đào tạo, hướng dẫn. Nói cách khác là dạy cái cần học hơn là cái cần dạy, bởi đây là việc làm tự nguyện xuất phát trên cơ sở hỗ trợ cho người nông dân là chủ yếu. Cái đích của việc dạy nghề cho nông dân là giúp người học khái quát hóa kiến thức và rút ra bài học hữu ích qua quá trình trải nghiệm Ðây chính là phương thức đào tạo nghề cho nông dân hiệu quả nhất.
Hệ thống đào tạo nghề cho nông dân có thể tiếp cận theo hai nội dung chính: Hệ thống dạy nghề và hệ thống học nghề. Cả hai nội dung này gắn bó mật thiết và hữu cơ với nhau. Trên thực tế khó có thể tách rời nhau được.
 1. Tiếp cận theo quan điểm hệ thống dạy nghề, Nhà nước đã xây dựng và vận hành một hệ thống dạy nghề tương đối hoàn chỉnh với sự quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, cùng với sự tham gia quản lý của các Bộ và Ủy Ban nhân dân các tỉnh. Các Trường, các Trung tâm trong hệ thống hiện đã được đầu tư, nâng cao năng lực để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Phương pháp tiến hành là mối quan hệ phân cấp theo chiều dọc từ trên xuống.
Số lượng quy mô đào tạo nghề trong thời gian qua tăng nhanh, chỉ tiêu đào tạo bình quân hàng năm tăng 20%, Tuy nhiên đào tạo nghề mới chỉ thu hút một phần rất nhỏ số lao động trẻ nông thôn tham gia( 25%),  về chất lượng, trình độ của nguồn lao động như khả năng và năng lực thực hiện các công việc có hiệu quả cao ít được chú ý đặc biệt là đối với lao động nông thôn.
Bên cạnh đó Hệ thống dạy nghề chưa tập trung vào“ chân kim tự tháp” tới đa số những người nông dân, mà lại tập trung ở phần trên từ việc đầu tư, chương trình, giáo viên, quản lý...Đó cũng là lý do nhiều chương trình, dự án chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
2. Tiếp cận theo quan điểm hệ thống học nghề ,
Theo David Smith, 1998; Khả năng học của mỗi cá nhân có nhiều mức độ khác nhau: Từ “học vẹt”; Học theo những gì được dạy; Bài giảng theo phương pháp truyền thống, Vận dụng bài tập tình huống; Giải quyết vấn đề; Học có sự tham gia và cuối cùng là tự  học. Khi đã có khả năng tự học thì có thể thực hiện mọi khả năng khác một cách
hiệu quả. Như vậy phát triển nguồn nhân lực nhằm tạo nên khả năng tự học của các cá nhân và của cả cộng đồng.Nhà nước đã xây dựng và ban hành các chính sách liên quan đến người học và điều kiện học tập, việc làm sau đào tạo, xã hội hóa giáo dục....Phương pháp tiến hành là mối quan hệ hỗ trợ và thực hiện theo dạng ma trận(Matrix), về chiều hướng theo nguyên tắc là từ dưới lên Tâm lý chung của nông thôn ít chịu đổi mới, dè dặt khi đón nhận các yếu tố kỹ thuật mới, cũng như hạn chế kết quả chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật từ bên ngoài vào nông thôn. Đa số nông dân tự phát học nhau, kiểu bắt chước, may rủi, may thì thành công không may thì thất bại.
Kết quả hiện tại của cách tiếp cận này chưa tạo ra được cơ sở để hòa nhập và kết nối giữa dạy nghề và học nghề.
Hiện tại, hệ thống đào tạo nghề cho nông dân tuy đã tiếp cận theo cả hai nội dung này, nhưng chủ yếu vẫn tập trung vào hệ thống dạy nghề, ít tập trung vào hệ thống học nghề. Vô hình chung trong dòng chảy của đào tạo nghề cho nông dân đang tồn tại những khoảng rỗng.
Lý do sâu xa của tình trạng này nằm trong quan điểm tiếp cận đào tạo nghề theo các cách khác nhau. Quan điểm tiếp cận trong dạy nghề chủ yếu theo quan điểm nội dung, chưa tiếp cận nhiều theo quan điểm mục tiêu và chưa tiếp cận
quan điểm phát triển. Biểu hiện từ chương trình, phương pháp, tài liệu, giáo viên,cơ sở vật chất- kỹ thuật. Thay vì quan điểm cung cấp, truyền đạt về nội dung, đào tạo nghề phải hướng tới quan điểm phát triển. Con người không thể học tất cả những gì cần trong cuộc đời chỉ qua quá trình đào tạo trong nhà trường, vì vậy đào tạo nghề phải tạo ra được những sản phẩm có thể đương đầu với những đòi hỏi của nghề nghiệp không ngừng thay đổi, với một thế giới không ngừng biến động. giúp người học phát triển tối đa các tố chất sẵn có nhằm đáp ứng được mục đích đào tạo nói trên.
 II. HÌNH THỨC HỌC TẬP CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
 Theo những nghiên cứu gần đây, hơn 80% cư dân Việt Nam sống ở nông thôn, trong đó gần 70% lao động trong nông nghiệp với 77% hộ thuần nông. 90% hộ đói, nghèo trong tổng số hộ đói nghèo của cả nước là nông dân. Tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn rất nghiêm trọng, có khoảng 7 triệu lao động chưa có hoặc thiếu , việc làm, mỗi năm lại bổ sung thêm 400.000 người đến tuổi lao động Bên cạnh đó giai đoạn từ 2006-2010, tổng diện tích đất nông nghiệp sẽ bị thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhu cầu công cộng và lợi ích quốc gia sẽ là 192.212 ha và theo đó sẽ 2.498.756 lao động nông thôn mất việc,trong đó nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất ở độ tuổi từ 35 tuổi trở lên (chiếm khoảng 50%) .
Thực tế hiện nay cho thấy, việc làm của người nông dân đang biến chuyển theo các hướng: (I) việc làm thuần nông vẫn tiếp tục được duy trì theo thời vụ, nhưng đang giảm dần về số lượng; (II) một số chuyển hẳn sang thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn (phát triển nông trại, phát triển các loại cây nông, công nghiệp hàng hoá), tuy nhiên số này còn rất ít; (III) một số khác chuyển sang tìm kiếm cơ hội việc làm phi nông nghiệp ngoài thời vụ nông nghiệp hoặc chuyển hẳn sang ngành nghề khác thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo nghề;
(IV) trở thành nguồn lực lao động xuất khẩu của quốc gia.
Báo cáo của WB cho rằng các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi từ nông nghiệp sang đô thị hóa như Việt Nam, thì nông nghiệp vẫn được coi là yếu tố quan trọng trong việc xóa đói nghèo, tăng thu nhập cho nông dân. Hay nói cách khác, nông dân muốn thoát nghèo vẫn phải gắn với nông nghiệp.
Bậc học phù hợp nhất với nông dân là bồi duỡng, tập huấn( 66,7%), còn học nghề ngắn hạn ( 28%) và dài hạn chỉ chiếm ( 5,3%) theo tỷ lệ (15 : 4 : 1). Học nghề tại cộng đồng: tại xã, làng, bản, mô hình, dự án, chương trình là hình thức đuợc nông dân mong muốn cao nhất chủ yếu cho việc bồi duỡng tập huấn. Các hình thức học nghề được nông dân mong muốn
là: Hình thức nông dân dạy nông dân, học trong các nhóm, tổ cộng đồng( 93%), tham quan ( 81%) và mô hình trình diễn ( 96%) phù hợp nhất với các hình thức đào tạo tại cộng đồng và các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp. 90% nguời đuợc hỏi mong muốn sau khi học nghề cần có sự kiểm tra, giám sát và hỗ trợ để áp dụng kiến thức. 
 III. CÁC KÊNH HỖ TRỢ HỆ THỐNG HỌC NGHỀ CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Bên cạnh hệ thống dạy nghề đã được hình thành và phát huy, một số kênh sau đây cần được chú ý để hoàn thiện hệ thống đào tạo nghề:
 1.CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ (CSOs)
Ở Việt Nam, 74% số công dân là thành viên của tối thiểu một tổ chức, 62% là thành viên của từ 2 tổ chức Xã hội dân sự trở lên,  bình quân mỗi công dân tham gia 2,3 tổ chức.
Xã hội dân sự là diễn đàn giữa cộng đồng, nhà nư­ớc và thị trư­ờng, nơi mà mọi con ng­ười bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Lĩnh vực xã hội dân sự là nơi mà các nỗ lực tập thể, những phong trào xã hội, các hoạt động của các tổ chức xã hội và những mạng lưới xã hội diễn ra Đây cũng là lĩnh vực mà các hoạt động phi lợi nhuận, những chính kiến về chính sách, những hoạt động về phúc lợi và từ thiện được nhận diện. Lĩnh vực dân sự có thể hướng tới các hoạt động kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, an sinh xã hội. Ở Việt Nam CSO bao gồm: Các Tổ chức quần chúng (MO); Các Hiệp hội nghề nghiệp ; Các Tổ chức phi chính phủ Việt Nam (VNGO); Các tổ chức tín ngưỡng; Các Tổ chức tại cộng đồng (CBO). Hoạt động chính của hầu hết các CSO là hướng tới mục tiêu giảm nghèo, từ thiện, tự quản, và phát triển nghề nghiệp.
Trong những năm qua CSO,  nhất là các MO và các tổ chức Xã hôi- Nghề nghiệp đã tạo nên cơ hội học tập cho hàng triệu người dân, trong đó chủ yếu là lao động nông thôn. Vai trò của các Bộ, trong đó có MARD được thể hiện khá rõ trong các chương trình phối hợp với VNFU hay với VACVINA, đó là hướng đi đúng đắn. Để các chương trình phối hợp hiệu quả hơn, bên cạnh việc hỗ trợ tài chính thì việc hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động, trong đó có dạy nghề cho lao động nông thôn cần được quan tâm đúng mức.
2. CÁC TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG (CBOs)
Hiện tại có khoảng 400.000 nhóm, Trong đó các nhóm tín dụng vi mô, Tín dụng, tiết kiệm, HTX tín dung có khoảng 100.000 thuộc các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân Việt Nam và khoảng 300.000 tổ hợp tác trong cả nước.
Nghị định dân chủ cơ sở từ năm 1998 đã mở đường cho việc tham gia tích cực của người dân vào các quyết định ở cấp làng xã và thành lập các CSO, trong đó có CBO và các tổ chức không chính thức ở cấp cộng đồng.
Một tổ chức dựa trên cơ sở cộng đồng là một tổ chức gồm các người cùng có một lợi ích chung, như các tổ chức người sản xuất, các nhóm cùng nguồn lợi, các ban phát triển của làng.  Sự phát triển dựa trên khái niệm về vốn, nhấn mạnh các nguồn vốn khác nhau của cộng đồng: vốn tự nhiên, vốn cơ sở hạ tầng, vốn tài chính, vốn con người , vốn xã hội. Các hình thức tổ chức này đang từng bước tiến lên thành lập các hợp tác xã kiểu mới.
Từ năm 1997 đến nay cả nước có 2196 HTX nông nghiệp được thành lập mới, Trong đó có 1565 HTX được hình thành từ các tổ hợp tác, nhóm nông dân chiếm 71%.
Các Tổ chức cơ sở cộng đồng, Các nhóm chính thức, th­ường liên quan đến một tổ chức đã đ­ược công nhận, các nhóm không chính thức hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; Một số nhóm như­ nhóm quyền lợi, nhóm sở thích, nhóm thân hữu, giòng họ. Các nhóm này hoạt động tự quản, tự đảm bảo kinh phí.
CBO động lực phát triển nông thôn
Phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng bằng cách giúp nông dân xây dựng các tổ chức nông dân để thực hiện các dịch vụ nông nghiệp (quản lý thuỷ nông, nhân giống, chăn nuôi, thú y, tín dụng, tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu...) Đồng thời cần có các tổ chức nông dân đơn giản mang tính chất tương trợ để nông dân có thể học tập trong thực tế, phát triển lên  hình thức tổ chức cao hơn như hợp tác xã.
 “Nhóm nông dân không chính thức” là tổ chức được chính những người nông dân khởi xướng và thành lập, không có sự chỉ đạo và động cơ thúc đẩy từ bên ngoài. Tổ chức này có thể được pháp luật công nhận như là một hợp tác xã hoặc đơn giản chỉ là một nhóm nông dân hợp tác với nhau không có bất kỳ sự thừa nhận chính thức nào hay thậm chí là không có các quy định bằng văn bản cũng như cơ cấu chính thức.
“Nhóm nông dân chính thức” là một tổ chức đươc thành lập theo sự chỉ đạo từ bên ngoài như là Hội nông dân hoặc các tổ chức phi chính phủ (NGOs).
Đặc tính riêng nổi bật của các nhóm nông dân là nội dung hoạt động của các nhóm được chính những người nông dân xác định rất rõ. Các nhóm nông dân phản ánh khả năng của một cộng đồng trong việc tổ chức phát triển cũng như thành công của cộng đồng đó trong quá trình phát triển bởi vì các nhóm nông dân chính là những cơ hội rộng mở và năng lực ngày càng cao. Những cộng đồng và địa phương có nhóm nông dân thì phát triển hơn và cũng có nhiều khả năng để phát triển hơn.
Một số tổ chức INGO, NGO đã sớm quan tâm đến việc phát triển năng lực cho người dân thông qua phát triển các nhóm nông dân như DANIDA, ADDA, OXFAM, SNV hay các nhóm phát triển cộng đồng như AVV.... Tuy nhiên việc phối hợp của chính quyền các cấp với các CBO, các nhóm nông dân trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn rất mờ nhạt, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng nên chưa sử dụng hiệu quả tiềm năng của các CBO trong việc nâng cao năng lực cho người dân.
Với hệ thống cán bộ khoa học- kỹ thuật nông nghiệp và khuyến nông đến cơ sở như hiện nay, MARD hoàn toàn có thể tiếp cận và phối hợp với các CBO để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và nâng cao năng lực cho người dân.
 3. CÁC TRUNG TÂM HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG (CLCs)
Trung tâm học tập cộng đồng là cơ sở giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân, là trung tâm học tập tự chủ của cộng đồng cấp xã, có sự quản lý hỗ trợ của Nhà nước; đồng thời phải phát huy mạnh mẽ sự tham gia, đóng góp của nhân dân trong cộng đồng dân cư để xây dựng và phát triển các trung tâm theo cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời; được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất và cuộc sống góp phần xoá đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng; là nơi thực hiện việc phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến với mọi người dân.
           Mục đích của trung tâm học tập cộng đồng là phát triển trình độ dân trí của cộng đồng thông qua việc tổ chức các cơ hội để người dân và cán bộ trong cộng đồng được học tập những điều họ cần học và muốn học, hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững của cộng đồng.
Vai trò của trung tâm học tập cộng đồng rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay, vì ở hầu hết các địa phương, trình độ dân trí còn nhiều khó khăn.  Khi cán bộ lãnh đạo một địa phương phàn nàn ‘dân trí ở đây thấp’ nên khó làm được việc này việc khác, đó là chỉ báo của năng lực tổ chức chưa cao.  Cụ thể là, cán bộ và nhân dân ở địa phương đó đang gặp khó khăn về phát hiện và phân tích vấn đề, tìm phương án khả thi, lập kế hoạch, huy động các nguồn lực và từng bước thực hiện các hoạt động xây dựng cộng đồng.
 Để đáp ứng được nhu cầu cấp bách của thực tế, việc thể chế hoá và thúc đẩy mô hình các trung tâm học tập cộng đồng là một chủ trương sáng suốt mà bộ Giáo dục và Đào tạo và UNESCO đã khởi xướng ở Việt Nam. Chủ trương này đã được hầu hết các địa phương hưởng ứng cũng như nhiều cơ quan tổ chức ủng hộ Với gần 8000 trung tâm học tập cộng đồng đã được thành lập, đây  mà một nguồn lực hùng hậu phục vụ cho nhu cầu học tập và nâng cao kiến thức cho mọi người dân.
Tuy nhiên  để các trung tâm học tập cộng động này phát huy được hết những tiềm năng của mình, trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế. Có thể kể đến hàng loạt khó khăn, chẳng hạn như thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật vận hành; cơ chế chưa rõ ràng…. Một trong những lý do khiến các CLC chưa thực sự hoạt động một cách hiệu quả và thường xuyên là do các trung tâm chưa chủ động, nắm bắt được nhu cầu học tập của người dân; chưa gắn được nội dung học tập với việc áp dụng những kiến thức đó trong cuộc sống hàng ngày của họ; cũng như chưa kết nối, huy động được sự hỗ trợ từ các ban ngành khác để hỗ trợ nhu cầu của cộng đồng.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng học tập không chỉ  được nhìn nhận như một quá trình trao đổi kiến thức mà là chìa khóa cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng, là công cụ để xóa đói nghèo và đảm bảo công bằng xã hội.
Trên quan điểm đó, Trung tâm học tập cộng đồng không chỉ được nhìn nhận như một cơ sở giáo dục mà là một công cụ để thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện và bền vững của từng địa phương. Điều này đã đuợc Vua Quang Trung sau khi lên ngôi ra chiếu dụ: " dựng nuớc lấy việc học làm gốc, mỗi xã phải là một xã học tập" làng xã nhờ đó đuợc chuyên môn hoá: làng gốm, làng mộc, dệt….Bài học về CLC của Nhật Bản đã khẳng định các CLC đã đóng góp phần quan trọng trong phát triển đất nước.
SỰ KẾT NỐI GIỮA CSO, CBOVÀ  CLC TRONG HỌC NGHỀ CỦA LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Hiện nay, trung tâm học tập cộng đồng đã được thành lập hầu hết các xã, với bộ máy ban quản lý gồm có dại diện UBND xã và hầu hết các ban ngành, đoàn thể địa phương. Trong mô hình kết nối này, CLC giữ vai trò rất quan trọng trong việc tổng hợp, điều phối và triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, kết nối, truyền tải nhu cầu học tập cũng như các nguyện vọng khác của người dân ở cấp cơ sở với các ban ngành, đoàn thể và các phòng ban chuyên môn của huyện, xã.
Đối với mỗi vấn đề được đưa ra bàn bạc, cộng đồng cùng nhau tìm ra giải phát để giải quyết vấn đề đó.
Tin tức nổi bật
Xin chào, (Thoát)
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0354062398
caodangbacbo@gmail.com
Thư viện hình ảnh
LogoFooter
Bản quyển thuộc về Vcard.edu.vn
Địa chỉ: Km 36, thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội
Điện thoại: 024 33 840 320 - 024 33 840 424  Email: caodangbacbo@gmail.com


Đang Online:81
Tổng truy cập:5992857
Twitter
Google +
FaceBook
Thiết kế websiteSEO - Tất Thành