Nghiên cứu - “hoạt động” từ bà nội trợ đến người thầy
Thuật ngữ “nghiên cứu” được hiểu là một quá trình quan sát kỹ càng, thu thập thông tin chính xác, tìm hiểu có hệ thống và chi tiết, để có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ hơn về một vấn đề nào đó, một sự kiện nào đó, một đối tượng nào đó.
Người đang làm công việc nghiên cứu gọi là “nghiên cứu viên”, thường họ làm trong một cơ quan nghiên cứu nào đó. Ở nước ta có rất nhiều cơ quan như vậy: Viện Toán học, Viện Vật lý, Viện Tin học, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng,Viện nghiên cứu Chiến lược Giáo dục…
Không phải mọi người đều có thể viết công trình nghiên cứu và được ấn hành, nhưng xem ra việc nghiên cứu là một hoạt động không thể thiếu được của mỗi người bình thường. Một học sinh cũng phải làm một “nghiên cứu nhỏ” mới có thể viết được bài văn “Tả con mèo nhà em” nếu không muốn chép trong sách.
Một bà nội trợ cũng cần phải nghiên cứu giá cả, quan sát bó rau, miếng thịt …sao cho chọn được mớ rau tươi, miếng thịt ngon và mua không bị hớ. Một cặp nam nữ đang “tìm hiểu” nhau có nghĩa là họ đang “nghiên cứu” đối tượng của mình với một mục tiêu rõ ràng: Có nên tiến hành hôn nhân hay không? Nghiên cứu này tuy rất quan trọng đối với họ, nhưng kết quả nghiên cứu chỉ có lợi cho một mình họ, không thể phổ biến nên không được in ấn, phong cấp này hay cấp nọ…
Đối với một số người thì nghiên cứu là một hoạt động thường xuyên trong suốt cuộc đời làm việc của họ: Nhà lãnh đạo mọi cấp bậc, người thẩm phán, nhà luật sư, người cán bộ cơ quan điều tra, người thầy thuốc…trong số đó đặc biệt có các thầy, cô giáo ở các trường ĐH. Chính vì lẽ đó vấn đề nghiên cứu khoa học luôn là một đề tài được bàn luận nhiều.
Nhiệm vụ của người thầy là truyền thụ kiến thức mới cho học trò. Vậy điều đầu tiên là thầy phải nghiên cứu, tìm hiểu để có hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về vấn đề mà mình định thuyết giảng cho học trò. Sau đó thầy phải tìm ra phương pháp tối ưu để làm cho học trò tiếp thu tốt. Như vậy một bài giảng hay là hệ quả của một thái độ nghiên cứu nghiêm túc và công phu.
Phổ biến và "dị biệt"
Đối với các giảng viên ĐH, việc nghiên cứu nhằm hai mục đích chính: 1) Nghiên cứu để có những bài giảng tốt, đào tạo và hướng dẫn sinh viên có chất lượng cao. Kết quả của những nghiên cứu này là các tài liệu giảng dạy, các bộ sách giáo khoa chuyên ngành rất cần thiết để sinh viên học tập và tham khảo.
2) Nghiên cứu một số đề tài khoa học theo đơn đặt hàng hoặc theo sự thích thú, say mê khám phá khoa học của chính bản thân mình. Kết quả nghiên cứu này được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước hoặc nước ngoài
Đối với các nghiên cứu viên ở các viện nghiên cứu, mục đích thứ nhất thường không đặt ra, mà nghiên cứu của họ chỉ nhằm mục đích thứ hai.
Trái lại, đối với các giảng viên ĐH thì hai mục đích trên đều quan trọng và ưu tiên mục đích nào là tùy theo vị trí của từng người. Đối với một giảng viên trẻ thì phải ưu tiên cho mục đích thứ nhất, còn đối với các giáo sư đầu ngành thì phải ưu tiên cho mục đích thứ hai…
Học theo cách một số nước trên thế giới, chúng ta thường đánh giá năng lực nghiên cứu của một nhà khoa học hoặc của một trường ĐH bằng cách dựa vào số công trình được công bố trên tạp chí, bằng uy tín khoa học của tạp chí đó và bằng số lần được trích dẫn của bài đã đăng.
Muốn bảo vệ luận án tiến sĩ thì phải công bố bao nhiêu bài báo, muốn được phong giáo sư thì phải có bao nhiêu công trình được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín. Điều đó cũng có lý, nhưng điều đó chỉ là đánh giá về năng lực sáng tạo, phát minh của nhà nghiên cứu.
Có không ít những nhà khoa học tầm cỡ nhưng không có công trình đăng trên tạp chí chuyên ngành.
Có thể lấy ví dụ về cố GS Tạ Quang Bửu, một nhà toán học hàng đầu của Việt Nam. Ông là người đọc rộng, biết nhiều, hiểu rất sâu sắc các vấn đề của toán học hiện đại, các bài giảng về toán của ông rất hấp dẫn, rất lôi cuốn người nghe.
Nhưng ông không viết một bài nào để đăng, có thể ông bận nhiều việc quản lý, hoặc có thể ông không thích. Ví dụ đó, dĩ nhiên, là một trường hợp "dị biệt" của một thời kỳ lịch sử.
Trong việc đánh giá, bổ nhiệm chức vụ khoa học cần dành sự quan tâm thích đáng đến mục đích thứ nhất của nghiên cứu trong trường ĐH. Không nên bỏ qua năng lực của những nhà giáo viết nên những cuốn sách giáo khoa, những cuốn giáo trình có chất lượng cao. Cần xem lại tại sao hiện nay trong tủ sách bậc ĐH, số tác phẩm do người Việt Nam viết rất ít ỏi .
Giá trị thực
Để đánh giá một công trình thì có nhiều tiêu chí khác nhau và nói chung là khó khăn. Một luận văn tiến sĩ thì có một hội đồng khoa học đánh giá, mà chủ yếu là đánh giá khả năng nghiên cứu của thí sinh, còn đề tài (do người hướng dẫn đưa ra) thì không quan trọng lắm. Bởi vậy nói chung các luận án này không mấy khi có ứng dụng vào cuộc sống.
Một số công trình nổi tiếng được mọi người nhất trí đánh giá cao vì nhiều lý do rất rõ ràng: Hoặc là giải quyết trọn vẹn một vấn đề (ví dụ giải bài toán Fermat hay bài toán tô mầu bản đồ…), hoặc đặt ra một phương hướng mới (thuyết tương đối, cơ học lượng tử…)…
Nhưng đa số công trình tầm tầm bậc trung thì rất khó, có người khen hay, có người lại cho là không có ý nghĩa gì. Bởi vậy người ta mới nêu ra một tiêu chí có phần gượng ép: Bài đăng ở tạp chí quốc tế thì hay hơn bài ở tạp chí trong nước, đăng ở tạp chí quốc tế có uy tín thì còn hay hơn nữa. Bài nào được trích dẫn nhiều hơn thì chất lượng hơn…
Nguồn:Văn Như Cương(VietNamnet)